
Văn miếu Mao Điền
Mậu Tài, xã Cẩm Điền, H. Cẩm Giàng, Hải Dương
Giới thiệu
Văn miếu Mao Điền nối tiếp của Văn miếu trấn Hải Dương xưa, là một trong số ít Văn miếu còn tồn tại ở Việt Nam, mang giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt. Văn Miếu được lập ra để thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền, tiên nho.
Đồng thời với Văn miếu trấn Hải Dương là trường thi Hương của trấn Hải Dương đặt tại Mao Điền, từ trường thi vùng miền đã trở thành trường thi Quốc gia, đặc biệt, dưới thời nhà Mạc đã chọn trường thi Mao Điền để tổ chức 4 kỳ thi Hội, tuyển chọn nhân tài ra phục vụ đất nước, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử giáo dục Việt Nam.
Văn miếu Mao Điền tọa lạc tại thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền (nay là xã Phúc Điền), huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, cách trung tâm thành phố Hải Dương khoảng 15 km về phía tây, cách Thủ đô Hà Nội 42 km về phía Đông. Với lịch sử lâu đời và quy mô lớn, Văn miếu Mao Điền được xem là trung tâm văn hóa - giáo dục lớn thứ hai cả nước, sau Văn miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội.
Với giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, ngày 25 tháng 12 năm 2017, Văn miếu Mao Điền đã được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ là biểu tượng của truyền thống hiếu học mà còn là một khu du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu của tỉnh Hải Dương, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Văn miếu Mao Điền nằm ở phía Đông Bắc của làng Mao (hay còn gọi là làng Mậu Tài), thuộc xã Cẩm Điền nay là xã Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn miếu nằm ở phía Bắc Quốc lộ 5A cách chừng 200m, cách Thủ đô Hà Nội 42 km về phía Đông và cách trung tâm thành phố Hải Dương 15 km về phía Tây, rất thuận lợi về mặt giao thông. Đây là một điểm giao thoa kinh tế, văn hóa quan trọng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và phát triển du lịch.
Về địa hình, Văn miếu Mao Điền tọa lạc trên diện tích khu vực 1 hiện có là 10.433m2, khu vực 2 với tổng diện tích 235.535m2, thế đất bằng phẳng, được bao quanh bởi những cánh đồng lúa xanh tươi, hệ thống sông ngòi chằng chịt, tạo nên cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và bình yên. Chính địa hình thuận bằng phẳng, giao thông thuận tiện đã góp phần giúp Văn miếu trở thành trung tâm văn hóa - giáo dục lớn của trấn Hải Dương xưa.
Văn miếu Mao Điền không chỉ là một công trình kiến trúc cổ kính mà còn là nơi gắn liền với văn hóa, lịch sử và tinh thần hiếu học của người dân vùng đất này, trở thành một điểm đến văn hóa tâm linh quan trọng của tỉnh Hải Dương.
Kiến trúc Văn miếu Mao Điền mang đậm dấu ấn của nghệ thuật kiến trúc cổ truyền Việt Nam, được bố trí hài hòa trong không gian trang nghiêm và cổ kính. Công trình được thiết kế theo lối kiến trúc độc đáo với các yếu tố nổi bật tạo nên một tổng thể cân đối và uy nghi.
Tổng thể kiến trúc Văn miếu được bố trí theo trục chính từ Văn miếu môn dẫn vào khu vực Tiền tế và Hậu cung, bao quanh là sân vườn và các hạng mục phụ trợ. Không gian bên trong mang nét trang nghiêm, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Văn miếu môn được thiết kế uy nghi mở ra một không gian rộng lớn của di tích, nơi diễn ra các nghi lễ truyền thống. Tiếp đến là Tiền tế, Hậu cung được xây dựng với kiến trúc chữ “Nhị” (=), công trình kết cấu gỗ vững chãi, mái lợp ngói ta và đầu đao chạm khắc tinh xảo. Hậu cung là nơi đặt ban thờ Đức Khổng Tử và phối thờ 8 danh nhân Tư nghiệp Quốc tử Giám, Nhà giáo Chu Văn An; Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh; Nhập nội hành khiển, Tiến sĩ Phạm Sư Mệnh (thời Trần, thế kỷ XIII-XIV); thời Lê sơ có 2 danh nhân Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi; Thần toán Việt Nam – Tiến sĩ Vũ Hữu. Thời Mạc có 2 danh nhân là Trình Quốc công, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nghi Ái quan, Lễ nghi học sĩ, nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ.
Đặc biệt, Văn miếu còn lưu giữ được 3 tấm bia đá (triều Nguyễn) nội dung nói về quá trình trùng tu, tôn tạo di tích và trường thi Hương đặt tại Mao Điền. Sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và không gian thiên nhiên xanh mát, Văn miếu Mao Điền trở thành khu du lịch văn hóa, giáo dục, tâm linh tiêu biểu của tỉnh Hải Dương.
Văn miếu môn là một công trình kiến trúc đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Việt Nam. Được xây dựng kiên cố và bề thế, Văn miếu môn là điểm khởi đầu dẫn vào không gian linh thiêng của Văn miếu, đồng thời thể hiện sự bề thế, uy nghi và trang nghiêm của di tích.
Văn miếu môn được thiết kế ba lối cửa: một cửa chính lớn ở giữa và hai cửa phụ hai bên, tượng trưng cho sự kết nối giữa con người và tri thức, giữa truyền thống và hiện đại.
Phần mái cổng được xây dựng theo kiểu 2 tầng mái, lợp ngói ta truyền thống. Đầu đao cong được chạm trổ tinh xảo với hình tượng rồng mây – biểu tượng của sự linh thiêng và thịnh vượng.
Trụ cổng là hai trụ biểu lồng đèn, đỉnh đắp nổi hình “Phượng lá lật” gồm 4 con phượng đứng chụm vào nhau, đuôi và cánh vươn cao, đầu chúc xuống dưới trong tư thế chuẩn bị cất cánh. Phía trên cửa chính, có 4 chữ hán "Ngưỡng di chi cao" (càng nhìn càng cao), thể hiện giá trị lịch sử và vị thế quan trọng của di tích.
Văn miếu môn không chỉ đóng vai trò là lối dẫn vào khu vực thờ tự mà còn là biểu tượng mở đầu cho hành trình khám phá một di sản văn hóa quan trọng của vùng đất trấn Hải Dương.
Khuôn viên Văn miếu rộng rãi và bề thế, tạo nên một không gian linh thiêng và tĩnh lặng, phù hợp cho việc thờ cúng và các hoạt động văn hóa truyền thống. Khuôn viên được bao quanh bởi những hàng cây xoài, nhãn cổ thụ xanh mát, mang đến bầu không khí trong lành và tĩnh mịch
Với tổng thể kiến trúc hài hòa, khuôn viên gồm các khu vực chính như Văn miếu môn, hai dãy nhà bia Tiến sĩ, 2 dẫy nhà Đông vu, Tây vu, Tiền tế, Hậu cung. Sau Văn miếu môn, du khách sẽ bước vào một sân rộng lát gạch bát tràng phục chế, nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng. Tòa Tiền tế với 5 gian, kết cấu vững chắc, là nơi đặt ban thờ Công đồng. Hậu cung là nơi đặt ban thờ Đức Khổng Tử và 8 danh nhân Tư nghiệp Quốc tử Giám, Nhà giáo Chu Văn An; Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh; Nhập nội hành khiển, Tiến sĩ Phạm Sư Mệnh (thời Trần, thế kỷ XIII-XIV); thời Lê sơ có 2 danh nhân Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi; Thần toán Việt Nam – Tiến sĩ Vũ Hữu. Thời Mạc có 2 danh nhân là Trình Quốc công, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nghi Ái quan, Lễ nghi học sĩ, nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ.
Khu nhà bia tiến sĩ có 14 tấm bia, ghi danh của 644 vị tiến sĩ nho học. Tổng thể khuôn viên không chỉ là một di tích văn hóa, mà còn là không gian tâm linh, là nơi tôn vinh truyền thống hiếu học và di sản văn hóa của dân tộc.
Nhà bia là một công trình mang đậm giá trị lịch sử và văn hóa, có 14 tấm bia đá ghi danh 644 vị Tiến sĩ người trấn Hải Dương đỗ đạt trong các kỳ thi ( từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX), làm minh chứng cho truyền thống khoa bảng và hiếu học lâu đời của Hải Dương.
Hai dãy nhà bia mỗi nhà 7 gian bằng gỗ lim, kết cấu khung vì kiểu “chồng giường”, mái lợp ngói mũi kiểu“đao tàu, déo góc”. Bên trong hai dãy nhà bia có đặt 14 tấm bia đá đặt trên lưng rùa, biểu tượng cho sự trường tồn. Mỗi tấm bia đá được khắc tên tuổi, quê quán, học vị… của 644 tiến sĩ, mặt trước khắc chữ Hán, mặt sau khắc chữ Quốc ngữ, những tấm bia đá này không chỉ là tài liệu lịch sử quý giá, mà còn là biểu tượng cho truyền thống khoa cử, tôn vinh các bậc tiến sĩ nho học.
Bia Tiến sĩ được dựng sau Văn miếu môn, xung quanh là cây xanh và không gian yên tĩnh, tạo nên một bầu không khí linh thiêng, giúp du khách cảm nhận được sự kính trọng đối với các bậc hiền tài.
Nhà bia tại Văn miếu Mao Điền không chỉ là nơi ghi dấu sự nghiệp học hành của các danh nhân mà còn là di sản văn hóa quan trọng, góp phần làm phong phú thêm lịch sử giáo dục của Việt Nam, đặc biệt là trong lịch sử khoa cử thời phong kiến.
Thiên Quang tỉnh (giếng chứa ánh sáng trời) là nơi lưu giữ ánh sáng mặt trời, Hồ xây hình vuông, có lan can chạy xung quanh, nước đầy và xanh mát quanh năm. Chính giữa dựng một cầu đá để du khách thưởng ngoạn, đồng thời tạo cho di tích một không gian kiến trúc mền mại dẫn du khách vào thăm di tích thuận lợi. Xung quanh hồ có đường dạo và trồng hoa góp phần tôn tạo cảnh quan cho di tích hài hòa và hấp dẫn du khách.
Gác Chuông là một công trình kiến trúc kiểu “chồng diêm cổ các” hai tầng tám mái khá bề thế, vuông khối, bốn mặt, đao mái trang trí phỏng theo nghệ thuật thời Nguyễn. Mái lầu được lợp bằng ngói mũi hài, mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ truyền.
Bên trong có treo 1 quả chuông đồng lớn nặng 1.047kg, chuông thường được sử dụng trong các nghi lễ thờ cúng, các sự kiện tôn vinh trí thức và các buổi lễ trọng của di tích. Mỗi lần chuông vang lên là một dấu hiệu của sự tôn kính đối với các bậc hiền tài và trí thức. Chuông cũng là biểu tượng của sự linh thiêng, gắn liền với sự tôn thờ tri thức và những giá trị giáo dục cao cả. Gác Chuông biểu tượng của sự tôn vinh trí thức, giáo dục và văn hóa của dân tộc Việt Nam, là điểm nhấn quan trọng trong khuôn viên Văn miếu Mao Điền.
Gác Trống được xây dựng giống như gác chuông, là một công trình kiến trúc đặc sắc, gắn liền với các nghi lễ truyền thống và giá trị văn hóa của di tích. Gác Trống bên trong có đặt trống đại, một biểu tượng của sự uy nghi, linh thiêng, thường được sử dụng trong các buổi lễ cúng tế và các sự kiện quan trọng của Văn miếu. Trống không chỉ mang âm thanh vang vọng mà còn thể hiện sự tôn vinh đối với nền giáo dục và trí thức của dân tộc.
Công trình này có thiết kế truyền thống với mái ngói cong, kết cấu vững chắc từ các cột gỗ lớn, thể hiện sự hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên. Gác Trống được xây dựng đơn giản nhưng rất trang nghiêm, với không gian mở rộng tạo cảm giác thông thoáng. Trống được treo tại vị trí trung tâm của lầu, âm thanh của trống vang vọng trong không gian rộng lớn, mang đến không khí linh thiêng trong các nghi lễ.
Gác Trống còn là biểu tượng của sức mạnh tinh thần, sự tôn trọng đối với trí thức và các giá trị truyền thống văn hóa, góp phần làm phong phú thêm di sản của Văn miếu Mao Điền.
Đông Vu là một trong những công trình kiến trúc được xây dựng cùng thời với việc tái thiết Văn miếu (năm 1801). Đây là nơi hội họp của bá quan văn võ, đồng thời sửa soạn y phục trước khi vào tế lễ Đức Thánh Khổng Tử và các bậc Tiên hiền, tiên nho.
Đông Vu nằm phía bên trái Bái đường, đối xứng với Tây Vu ở phía bên phải, tạo nên sự cân đối trong bố cục tổng thể của Văn miếu.
Tòa Đông vu có 5 gian, xây kiểu bít đốc bổ trụ. Kết cấu khung vì kiểu“kèo cầu, trụ báng”, chất liệu gỗ lim vững chắc. Trang trí điêu khắc đơn giản, chủ yếu là vân xoắn và hoa lá cách điệu. Hệ thống cửa gồm 03 bộ kiểu bức bàn và hai cửa sổ kiểu nan trượt. Đông vu được trùng tu, tôn tạo lại vào năm 2002- 2024 nay là nhà truyền thống giáo dục. Công trình này góp phần làm phong phú thêm không gian kiến trúc, nơi lưu giữ các giá trị truyền thống văn hóa của người Hải Dương qua các thời kỳ.
Nhà Tây vu là một công trình kiến trúc quan trọng, đối xứng với nhà Đông vu và có chức năng như nhau
Cũng giống như nhà Đông vu có 5 gian, kết cấu kiến trúc gỗ lim. Các chi tiết trang trí đơn giản, thể hiện sự tôn kính và trang nghiêm đối với các bậc hiền tài.
Tây vu có 5 gian bình đồ kiến trúc hình chữ nhật, theo hình thức của những gian nhà truyền thống, với cột gỗ lớn vững chãi và các họa tiết trang trí đơn giản. Tây vu được tôn tạo lại vào năm 2002- 2024 nay là nhà đón tiếp khách, làm việc của Ban quản lý di tích. Công trình này góp phần làm phong phú thêm không gian kiến trúc, nơi lưu giữ các giá trị truyền thống văn hóa giáo dục của người Hải Dương qua các thời kỳ.
Khu vực sân (còn gọi là sân trình) là không gian rộng rãi và trang nghiêm, nằm ngay sau Văn miếu môn, tạo ấn tượng đầu tiên cho du khách khi bước vào di tích. Sân được lát gạch đỏ, diện tích sân rộng hơn 500m2, tạo cảm giác cho không gian thoáng mát, rộng rãi để tổ chức các nghi lễ và sự kiện quan trọng của di tích.
Bao quanh khu sân là những hàng cây xoài, nhãn cổ thụ, tỏa bóng mát cả ngày, tạo nên một không gian xanh và yên bình. Các cây cổ thụ này không chỉ góp phần vào việc điều hòa không khí mà còn tạo ra sự tĩnh lặng, linh thiêng, phù hợp cho những nghi lễ thờ cúng và hoạt động văn hóa truyền thống.
Sân trình được kết nối trực tiếp với Tiền đường, 2 dãy nhà Đông vu, Tây vu. Đứng ở sân trình rộng lớn, du khách có thể dễ dàng nhận ra sự cân đối giữa các hạng mục công trình kiến trúc và không gian mở vào các khu vực thờ tự chính của di tích. Bước đi trên sân tạo nên cảm giác như trở về với không gian thiêng liêng của học thuật và đạo lý.
Khu vực sân trình cũng là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội truyền thống, tế lễ và các sự kiện văn hóa quan trọng, nơi những người học trò và du khách thể hiện lòng kính trọng đối với các bậc tiền nhân, đồng thời tôn vinh tinh thần hiếu học và nền giáo dục lâu đời của người xứ Đông xưa và Hải Dương hôm nay.
Tiền tế là tòa nhà chính của Văn miếu, có quy mô bề thế, gồm 7 gian (hay 5 gian 2 chái), có 8 hàng chân cột, chân, chất liệu gỗ lim, phần mái kiến trúc kiểu “chồng diêm, cổ các” (2 tầng 8, mái) lợp ngói ta. Trang trí hoa văn khá đơn giản, bộ vì được trang trí các họa tiết vân mây xoắn và hoa lá cách điệu.
Phía sau nhà Tiền tế để trống tạo sự thông thoáng cho công trình, hai đầu hồi xây gạch lên tới hoành mái, mặt trước có mở 5 khoang cửa lớn ra vào làm theo kiểu “Thượng song hạ bản”, và 2 khoang cửa sổ lớn kiểu “chấn song, con tiện” dưới là bức đố lụa được chạm khắc với đề tài “Rồng chầu mặt nguyệt”, “Lưỡng long hàm thư” mang phong cách đề cao Nho giáo, trọng hiền tài. Chính giừa tòa Tiền tế đặt ban thờ Công đồng.
Tòa Tiền tế để phục vụ các nghi lễ thờ cúng các bậc hiền tài, những trí thức có công lao to lớn đối với nền giáo dục và phát triển văn hóa, đặc biệt là những người đỗ trong các kỳ thi.
Tiền tế là nơi tổ chức các nghi lễ tôn vinh các bậc tiên hiền, những người đã đóng góp vào sự nghiệp giáo dục, khoa bảng và văn hóa của đất nước. Không gian bên trong Tiền tế được thiết kế đơn giản nhưng trang trọng, với những bức hoành phi, câu đối, và các chi tiết trang trí tinh xảo, thể hiện sự kính trọng đối với các bậc hiền tài và trí thức. Các nghi thức lễ bái được diễn ra tại đây với sự trang nghiêm, nhằm tưởng nhớ và tôn vinh các bậc tiền nhân, những người đã dày công nghiên cứu và phát triển tri thức.
Công trình này không chỉ là một nơi tổ chức nghi lễ mà còn là biểu tượng cho sự tôn vinh tri thức và truyền thống khoa cử, giáo dục của dân tộc Việt Nam.
Hậu cung là một công trình kiến trúc đặc biệt và quan trọng trong khuôn viên di tích, đóng vai trò chủ yếu trong các nghi lễ thờ cúng và tưởng nhớ các bậc hiền tài, những người có công lớn đối với sự nghiệp giáo dục và phát triển văn hóa của dân tộc. Hậu cung được xây dựng với mục đích thờ Khổng tử và các bậc tiên hiền, tiên nho kín đáo và thâm nghiêm bởi 3 mặt được xây kín, phía trước là hệ thống cửa 5 gian còn 2 gian là cửa sổ tạo sự thông thoáng. Ngày nay trong Hậu cung Văn miếu là nơi đặt ban thờ Đức Khổng Tử và 8 danh nhân Tư nghiệp Quốc tử Giám, Nhà giáo Chu Văn An; Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh; Nhập nội hành khiển, Tiến sĩ Phạm Sư Mệnh (thời Trần, thế kỷ XIII-XIV); thời Lê sơ có 2 danh nhân Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi; Thần toán Việt Nam – Tiến sĩ Vũ Hữu. Thời Mạc có 2 danh nhân là Trình Quốc công, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nghi Ái quan, Lễ nghi học sĩ, nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Du để tôn vinh văn hóa dân tộc và truyền thống khoa bảng tỉnh Hải Dương.
Hậu cung không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động tôn vinh trí thức, mà còn là biểu tượng của sự trường tồn của nền giáo dục và những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Công trình này giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị lịch sử, đồng thời cũng là một phần không thể thiếu trong không gian linh thiêng của Văn miếu Mao Điền.
Miếu Khải thánh là nơi thờ thân phụ và thân mẫu của Khổng Tử - người sáng lập Đạo Nho. Thân phụ của ông là Khổng Gia Phủ, tự là Thúc Lương Ngột, làm quan nước Lỗ thời Xuân Thu. Thân mẫu là Nhan Thị. Nguyên quán Khổng Tử tại Ấp Trâu, làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nay thuộc thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Công trình được xây dựng vào đầu thời Nguyễn (Thế kỷ 19) thể hiện đạo lý của dân tộc về tri ân người có công sinh thành, dưỡng dục Khổng Tử. Công trình gồm 3 gian, 2 chái.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, Miếu Khải thánh bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1978, chính quyền địa phương đã quyết định cho hạ giải công trình này. Năm 2008, UBND tỉnh Hải Dương cho phép phục dựng Miếu Khải thánh bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Công trình phục dựng gồm 1 gian, 2 chái trên nền đất cũ theo phong cách kiến trúc Văn Miếu, hoàn thành vào tháng 1/2009.
Miếu Thổ cờ (còn gọi là Miếu Thổ kỳ) theo tín ngưỡng dân gian, công trình được xây dựng để thờ các vị thần cai quản, bảo vệ đức Thánh và các danh nhân có công trong việc giữ gìn sự yên ổn, thịnh vượng cho vùng đất này. Miếu Thổ Cờ là nơi thờ thần đất, vị thần cai quản và bảo vệ các hoạt động nông nghiệp, sản xuất của cộng đồng. Công trình có từ thời Nguyễn (Thế kỷ 19), gồm 1 gian 2 chái.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử xã hội, Miếu Thổ cờ bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1951, Thực dân Pháp đã phá dỡ miếu. Đến năm 1989 nhân dân địa phương dựng lại một gian miếu nhỏ để thờ tự.
Năm 2010, UBND tỉnh Hải Dương cho phép phục dựng lại Miếu Thổ cờ bằng nguồn vốn xã hội hóa. Công trình phục dựng trên nền đất cũ, kiến trúc hình chữ Đinh (J), gồm 3 gian Tiền bái và 1 gian Hậu cung. Mặt chính quay hướng Đông phù hợp với kiến trúc tổng thể của Văn miếu Mao Điền.
Công trình khởi công ngày 13/09/2010 và khánh thành vào ngày 29/01/2011.
Miếu Thổ Cờ còn là biểu tượng của sự tôn vinh các vị thần linh và lòng biết ơn của người dân đối với những sức mạnh siêu nhiên đã giúp đỡ và bảo vệ họ trong cuộc sống thường ngày. Đây là một phần không thể thiếu trong khu di tích Văn miếu Mao Điền, phản ánh sự kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian và tri thức trong truyền thống văn hóa người Việt
Vào tháng 9 năm 1950, quân Pháp chiếm đóng Văn miếu Mao Điền và lập quận Mao Điền để kiểm soát khu vực. Trong thời gian chiếm đóng, quân Pháp đã bố trí lực lượng Hương dũng và xây dựng 5 lô cốt tại đây nhằm chống lại sự tấn công của lực lượng Việt Minh. Các công trình này được sử dụng như những điểm phòng thủ chiến lược trong suốt thời gian quân Pháp kiểm soát khu vực.
Ngày 23 tháng 5 năm 1952, bộ đội chủ lực và du kích sông Mao dưới sự lãnh đạo của lực lượng Việt Minh đã tổ chức tấn công vào quận Mao Điền. Kết quả, họ đã bắt sống tên Thanh – Quận trưởng và toàn bộ đại đội Hương dũng của quân Pháp, giải phóng hoàn toàn quận Mao Điền.
Ngày nay, các lô cốt còn lại là di tích lịch sử, ghi nhớ sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Những lô cốt này không chỉ là chứng tích của chiến tranh mà còn là nơi tố cáo tội ác của quân Pháp và tay sai trong quá trình chiếm đóng và đàn áp nhân dân Việt Nam.
Trường thi Hương là một trong những địa điểm lịch sử quan trọng, nơi diễn ra các kỳ thi Hương của trấn Hải Dương dưới thời phong kiến. Thi Hương là kỳ thi đầu tiên trong hệ thống ba kỳ thi (thi Hương, thi Hội, thi Đình) của nền khoa bảng Việt Nam, nhằm chọn lọc nhân tài cho đất nước. Các kỳ thi Hương được tổ chức định kỳ, với mục đích tuyển chọn những người tài đức để phục vụ cho triều đình, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Văn miếu Mao Điền không chỉ là một trung tâm thờ tự, tôn vinh các bậc hiền tài mà còn là nơi tổ chức các kỳ thi Hương trong nhiều thế kỷ. Trường thi Hương tại đây được xây dựng với kiến trúc đặc trưng của các trường thi thời bấy giờ, với các khu vực dành cho thí sinh, quan giám khảo và các vị chức sắc liên quan. Các thí sinh tham gia thi phải vượt qua các bài thi khắt khe, chủ yếu là các bài thi Nho học, bao gồm thơ, văn, sử, địa và các kiến thức về lễ nghi, đạo đức.
Trường thi Hương tại Mao Điền đã tuyển chọn nhiều nhân tài cho đất nước, nhiều người trong số họ sau khi đỗ đạt đã trở thành những vị quan chức có ảnh hưởng lớn trong triều đình, góp phần vào sự phát triển của xã hội phong kiến Việt Nam. Các kỳ thi Hương tại đây không chỉ là cơ hội cho các thí sinh thể hiện tài năng mà còn là dịp để tôn vinh văn hóa học thuật, truyền thống hiếu học của cả bản trấn và đất nước.
Ngày nay, khu vực Trường thi Hương trấn Hải Dương tại Mao Điền vẫn tồn tại là một cánh đồng lúa của địa phương có tên gọi là cánh đồng Tràng (Tràng là tên gọi của trường thi xưa). Các công trình còn lại, cùng với những bia đá ghi danh 644 vị tiến sĩ, là chứng tích lịch sử về một thời kỳ vàng son của nền giáo dục Nho học, phản ánh sự tôn trọng trí thức và khát vọng học vấn của người xứ Đông nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hiện vật
Bản đồ
Địa điểm xung quanh